Ngân hàng Nhà nước, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp
Lượt xem: 364

          Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vừa ban hành liên tiếp 02 Thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN), tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn.

          NHNN vừa ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và Thông tư 03. Theo đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

          NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Mục tiêu là nhằm giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của DN, giúp người dân và DN dùng tiền đó vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng. Khi DN, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm.

          Sau Thông tư 02 nêu trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN. Cụ thể, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán. Qua đó sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các TCTD cho vay, đầu tư, xem xét mua lại TPDN, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả DN và các TCTD.

          Ngoài ra, về chính sách tài khoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời Chính phủ cũng đã đề xuất với Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%.

          Việc giảm thuế VAT lần này sẽ giúp DN giảm được chi phí đầu vào và tạo điều kiện cho việc giảm giá hàng hoá đầu ra, giúp DN tiết kiệm chi phí. Đồng thời, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích người tiêu dùng, có tác dụng kích cầu. Bên cạnh đó, việc giảm thuế giúp giảm giá hàng hoá sẽ giảm sức ép lạm phát, làm cho đồng tiền Việt Nam mạnh hơn, từ đó góp phần ổn định giá trị đồng nội tệ so với các đồng tiền quốc tế, tăng cường thu hút FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…

         Theo Ánh Quỳnh - BQLKCN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang