Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030
Lượt xem: 1112

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg  về việc phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030, bao gồm:

a) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở phía Bắc (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á

b) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.

c) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

d) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á.

đ) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ mở rộng (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang) với khu vực trọng điểm phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh gắn với xây dựng là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á

e) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Đông vùng Tây Nam Bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Đông Nam Cà Mau) với trọng điểm phát triển ở khu vực dọc hạ nguồn cửa sông Hậu (thuộc Trà Vinh – Cần Thơ - Sóc Trăng) gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.

g) Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển Tây Nam (thuộc vùng biển và ven biển Kiên Giang - Cà Mau) với trọng điểm phát triển là ở vùng đảo Phú Quốc và khu vực ven biển thành phố Rạch Giá - thành phố Cà Mau - Khu kinh tế Năm Căn gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.

- Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á;  Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Theo đề án, tỉnh ta thuộc cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ mở rộng (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang) với khu vực trọng điểm phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh gắn với xây dựng là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển với các ngành lĩnh vực ưu tiên:

- Cảng biển container trung chuyển quốc tế, trong nước; vận tải biển viễn dương và các dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải, dịch vụ khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế với trung tâm là khu vực cảng biển Cái Mép Thị Vải - Sao Mai Bến Đình liên kết với cảng biển thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển các dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, thiết kế, kiểm định sản phẩm, dịch vụ đào tạo chuyên sâu ngành nghề kinh tế biển có tầm quốc tế ở khu vực thành phố Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh. Hình thành các khu trung tâm thương mại, tài chính quốc tế gắn với giao thương và kinh tế biển ở thành phố Hồ Chí Minh phát triển là trung tâm thương mại, tài chính quốc tế lớn trong khu vực và châu Á Thái Bình Dương.

- Công nghiệp đóng tàu biển, cấu kiện nổi phục vụ kinh tế và quốc phòng an ninh, công nghiệp lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu khí, công nghiệp hóa chất với trung tâm ở Bà Rịa - Vũng Tàu; công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp công nghệ cao sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghiệp số, phần mềm trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh; công nghiệp dệt may, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, chế biến thủy sản tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với cảng biển trong khu vực; công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven biển Bình Thuận – Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

- Du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế tập trung ở Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; phát triển Bình Thuận là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương. Liên kết phát triển vùng du lịch biển và du lịch văn hóa giải trí đô thị Nam Bà Rịa - Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch quốc tế lớn trong khu vực. Hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở các huyện đảo Côn Đảo, Phú Quý phát triển là trung tâm du lịch đảo có sức thu hút cao khách quốc tế.

- Phát triển nghề cá xa bờ, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu tập trung ở Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang với trung tâm dịch vụ nghề cá ở thành phố Vũng Tàu và các khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển tại các đảo Côn Đảo, Phú Quý.

Để triển khai thực hiện đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án; phối hợp xây dựng, tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển thực hiện đề án báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định; triển khai lồng ghép nội dung thực hiện đề án vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và trong phát triển mạng lưới doanh nghiệp, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện đề án có lựa chọn phạm vi, ngành lĩnh vực ưu tiên cụ thể.

Các Bộ, ngành chủ động lồng ghép nội dung triển khai thực hiện đề án vào các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng chương trình phát triển bao gồm cả cơ chế, chính sách để thực hiện đề án đối với lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, nằm trong phạm vi đề án có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án./.

Theo tin Ngọc Thuận - BQLKCN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang