Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
(binhthuan.gov.vn) Hiện
nay, trên địa bàn tỉnh có 09 Khu công nghiệp được thành lập với diện tích
2.931,78 ha. Trong đó, có 07 Khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng
kỹ thuật, 02 Khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Các Khu
công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 87 dự án thứ cấp, trong đó có 66
doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết
số 10 -NQ/TU, ngày 18/3/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm
2030 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 2290/KH-UBND ngày 19/7/2022 về triển khai thực
hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục
vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận. Trong đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi
số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã
hội số; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động, lãnh đạo,
chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị Nhà nước, doanh nghiệp và phương thức
sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số.
Theo đó, Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương
trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ chuyển đổi
số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định rõ các
nhiệm vụ có liên quan để xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện; đặc biệt là các
giải pháp liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh đối
với doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.
Kết quả, đối với
lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thu thập được
các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của địa phương,
của từng Khu công nghiệp để thực hiện các tài liệu số, Video clip, tạo mã QR để
tải lên Google Drive…nhằm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư; đồng thời, phối hợp,
kết nối các đơn vị chuyên môn về công nghệ số với các Chủ đầu tư hạ tầng Khu
công nghiệp nghiên cứu, xây dựng bản đồ số của Khu công nghiệp nhằm phục vụ
công tác xúc tiến đầu tư.
Trong lĩnh vực xúc
tiến thương mại, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Sở Công
Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo, các lớp
bồi dưỡng về kiến thức thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp
nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong Khu công
nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công
nghiệp 4.0. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa vào hoạt động
Sàn thương mại điện tử Bình Thuận; trên cơ sở đó, đã hướng dẫn doanh nghiệp
cung cấp thông tin sản phẩm, hình ảnh đưa lên Sàn thương mại điện tử địa phương
và Sàn thương mại điện tử Quốc gia nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc
trưng, thế mạnh của doanh nghiệp, kết nối cung cầu trao đổi, tiêu thụ các sản
phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Tích cực
tuyên truyền đến các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp hưởng ứng Ngày Chuyển đổi
số Quốc gia, Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia, Ngày mua sắm trực tuyến
Online Friday; tuyên truyền hướng dẫn sử dụng tài khoản định danh điện tử để
đăng nhập sử dụng Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia… Thường
xuyên kết nối các doanh nghiệp với các Sàn thương mại điện tử, như: Shoppe,
Lazada, Tiki, Sendo nhằm đưa các sản phẩm tham gia giao dịch, tiêu thụ, chào
bán sản phẩm trên các Sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online;
phối hợp với các Sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước
ngoài, các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh còn tổ chức số hóa dữ liệu trên lĩnh vực quản lý đầu
tư, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý lao động, quản lý môi trường,
quản lý xây dựng; khuyến khích và thúc đẩy cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ
công trực tuyến trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…
Đến nay, đã có
30/66 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tham gia ứng dụng các nền tảng số
trong thương mại điện tử; có 15/25 doanh nghiệp nước ngoài tham gia ứng dụng
báo cáo trực tuyến trên hệ thống thông tin Quốc gia về đầu tư nước ngoài; có
50/66 doanh nghiệp có ứng các phần mềm quản lý chuyên ngành để ứng dụng trong
quản trị, sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới,
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ
trương, chính sách, chương trình thúc đẩy chuyển đổi số đến với doanh nghiệp
trong các Khu công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về vai
trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số đối với quản trị, sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp. Tuyên truyền, thúc đẩy các doanh nghiệp trong Khu công
nghiệp triển khai thực hành ứng dụng các nền tảng số nhằm thay đổi quy trình sản
xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động; ứng dụng các nền tảng số
trên lĩnh vực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; phấn đấu đến cuối năm 2024 có
ít nhất 60% doanh nghiệp trong Khu công nghiệp ứng dụng các nền tảng số trong
quản trị, sản xuất, kinh doanh./.
Theo Huy Chương - BQLKCN