Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh: Để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín
BT- Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học
tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong 2 ngày 27 –
28/3, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung
ương Đảng đã truyền đạt, quán triệt chuyên đề tổng kết công tác xây dựng Đảng
và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy
viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Kết quả công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất,
trong sạch hơn, vững mạnh hơn, tạo dựng và củng cố niềm tin cho nhân dân”.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ ”then chốt”
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh luôn là
nhiệm vụ then chốt và là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của Đảng trong mọi giai
đoạn. Đặc biệt đầu tiên, Đảng có Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng
và thi hành Điều lệ Đảng cho thấy tầm quan trọng của công tác này. Cũng từ đây,
kết quả của công tác này quyết định trực tiếp đến sức mạnh, uy tín và sự tồn
vong của Đảng, sự sống còn của chế độ và sự phát triển của đất nước cũng như
niềm tin của nhân dân.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng
ban Tổ chức Trung ương cho biết: Trong nhiệm kỳ XII, công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực
hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động
quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Theo đó, Đảng ta luôn vững vàng,
kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng,
phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về
xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường, đã
góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng
thuận trong xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới
cả về nội dung và phương pháp. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung
ương và các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao, nhận thức và hành động của đội ngũ cán
bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích
cực. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt
động của hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, rõ nét, có nhiều đổi
mới, bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong thời
gian dài. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt, toàn diện, đi
vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có
ngoại lệ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và
quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng
thuyên giảm.
Kết quả này sẽ tạo nền tảng vững chắc để công việc “then
chốt” của Đảng sẽ tiếp tục đạt những hiệu quả toàn diện hơn nữa, đưa đất nước
phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Đây không chỉ là mục tiêu,
nhiệm vụ trọng tâm của Đảng mà còn là mong đợi, kỳ vọng của nhân dân.
Những bài học kinh nghiệm được rút ra
Trên cơ sở phân tích một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc
phục, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm, đó là: Kiên
định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn,
phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ và những biểu
hiện cơ hội chính trị. Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc coi
trọng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết trong Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy các cấp. Người đứng
đầu các cấp phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm; thường xuyên tăng cường
mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân
dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ cần thấm nhuần sâu sắc
quan điểm công tác cán bộ là “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, “then
chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách
mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là
cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng
và nhân dân. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng phải gắn kết chặt chẽ với lãnh
đạo phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo
đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; kết hợp chặt
chẽ, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đồng thời, xác định đúng trọng
tâm, trọng điểm và khâu đột phá. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện
phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng
tâm, trọng điểm và có bước đi phù hợp. Trước những vấn đề khó, phức tạp, nhạy
cảm càng phải giữ vững nguyên tắc, thực hiện nhất quán, phát huy dân chủ, huy
động trí tuệ tập thể; cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe và đặt sự nghiệp chung của
Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tiếp tục đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng Đảng vững
mạnh
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần tiếp tục kiên định,
vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối
đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tăng
cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ
chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu
của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác
tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn
nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Để thực hiện phương hướng nêu trên, Đại hội XIII xác định
cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, coi
trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức. Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa
“xây” và “chống”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc,
cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái, kiên quyết, kiên trì
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)
về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn. Từ đó,
củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, trong đó
chú ý nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công
tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy. Thắt chặt hơn
nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng
Đảng, trong đó lưu ý cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân,
gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.
Thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp
dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết những kiến nghị hợp pháp, chính đáng
của nhân dân và xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời
sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, không để hình
thành các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.
Trên cơ sở kết quả của công tác xây dựng Đảng thời gian
qua, cùng những bài học kinh nghiệm thực tiễn, với quyết tâm chính trị cao,
hành động quyết liệt, sẽ giúp Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững
mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn.
Theo tin Hải Thùy - BQLKCN (trích nguồn baobinhthuan.com.vn)