Bất động sản khu công nghiệp năm 2024 vẫn là điểm sáng
Lượt xem: 158

Tiếp nối vị trí “sao mở đường” của năm 2023, năm 2024, bất động sản khu công nghiệp vẫn được dự đoán là phân khúc sáng cửa.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài và 45 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế, với tổng diện tích gần 130 ngàn ha, tăng 7 khu công nghiệp so với cùng kỳ.

Theo Hội Môi giới bất động sản (VARS), giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 20% so với kỳ trước, trong đó khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất. Giá thuê trung bình ở khu vực này là 135 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 33% so với năm 2022. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15% so với năm 2022.

Bất động sản công nghiệp tăng trưởng bền vững

Đánh giá về phân khúc bất động sản, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế khẳng định nhận định dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng bền vững.

Ông Thịnh phân tích, do kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư; chính trị - xã hội của nước ta ổn định, việc cải thiện môi trường đầu tư, chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng phù hợp…

Thêm vào đó, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới và bất động sản các khu công nghiệp. Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng ngàn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong nước.

“Chúng ta cần phải có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu, đồng thời có quy hoạch tổng thể của cả nước, của từng địa phương, từng lĩnh vực để đưa ra chính sách ưu tiên phù hợp. Quy hoạch này cũng cần có tầm nhìn và có tính ổn định trong khoảng thời gian dài để các doanh nghiệp yên tâm phát triển”, ông Thịnh nói.

Theo bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư VARS, năm 2024 bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là phân khúc tăng trưởng tốt. Phân khúc này tiếp tục là điểm tựa sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ngoài ra, dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại với cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc top đầu trong khu vực. Dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp ngày càng được cải thiện. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung bất động sản khu công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam. Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn…

Thêm nữa, quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2030 đã được thông qua sẽ giải quyết phần nào các vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tiếp tục tăng trưởng.

Các chuyên gia của Savills cho rằng lĩnh vực logistics đang cho thấy triển vọng lạc quan. Việt Nam là một trong thị trường có ngành logistics phát triển nhanh nhất trên toàn cầu với mức tăng trưởng lên tới 16% trong những năm gần đây.

Vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách khu công nghiệp

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết: “Bất động sản công nghiệp bao gồm cả đất cho thuê và nhà xưởng xây sẵn đều hoạt động tốt và phản ánh sức hấp dẫn liên tục của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc chính về khu công nghệ như bất cập về thể chế, chính sách. Một số vấn đề của Nghị định 35/2022/NĐ-CP chưa đảm bảo nguyên tắc tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; khó khăn trong kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các giai đoạn phân kỳ.

Ngoài ra, chất lượng quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức; thiếu tầm nhìn tổng thể dài hạn, điển hình như đang được quy hoạch khá dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương. Thời gian phê duyệt quy hoạch kéo dài, phức tạp; việc phát triển khu công nghiệp theo định hướng bền vững, sinh thái, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ chưa được chú trọng đúng mức.

Thêm nữa, chính sách ưu đãi đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả trong việc định hướng dòng vốn đầu tư, chỉ mới chú trọng đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động sử dụng mà chưa chú trọng đến các yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái...

“Công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, đa số là chậm tiến độ; quỹ đất ngày càng hạn chế; người dân chưa nhất trí với đơn giá bồi thường”, ông Lực nêu và cho biết thêm chi phí đầu tư, xây dựng biến động... vẫn đứng ở mức cao.

TS Cấn Văn Lực nêu còn một số thách thức khác như môi trường kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, bất định; khâu quy hoạch, cơ sở hạ tầng mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối liên vùng; cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực; tác động tiêu cực của rủi ro địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; thiên tai, dịch bệnh…

Theo tin Thành Phương - BQLKCN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang