Phát triển khu công nghiệp tại Bình Thuận. Bài 3
Bài 3: Góp sức đưa
công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế
Tháng 2/2024, Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Kết luận sơ kết 2 năm thực hiện Nghị
quyết số 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó yêu cầu thời gian tới quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đổi
mới, đưa ngành công nghiệp phát triển tương xứng với vai trò, vị trí là một
trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận…
Đúc rút kinh nghiệm
Nhìn lại chặng đường hình
thành và phát triển khu công nghiệp (KCN), thời gian qua tỉnh ta cũng không
tránh khỏi những khó khăn lẫn thách thức, bởi ban đầu xác định vừa làm vừa rút
kinh nghiệm, hơn nữa Bình Thuận chưa phải là địa phương có thế mạnh về công
nghiệp. Thể hiện qua việc đầu tư xây dựng các KCN chậm so với quy hoạch được
duyệt, trong khi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư hạ
tầng tại một số KCN còn nhiều vướng mắc, làm chậm quá trình triển khai thực hiện
dự án và hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, các KCN mới hình thành thì chưa thu
hút nhiều, hoặc chưa thu hút được dự án đầu tư nên dẫn đến sự phát triển không
đồng đều giữa những KCN và địa phương có KCN. Hay như trước đây, sức hút từ
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đông Nam bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ
đến quá trình đầu tư, mời gọi dự án của các KCN trên địa bàn tỉnh…
Đúc rút kinh nghiệm từ thực
tế, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho rằng quy hoạch phải đi trước một bước và
KCN phải được quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ đủ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư lớn.
Mặt khác cần chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để đón nhận và lựa chọn những nhà
đầu tư hạ tầng KCN có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao. Trong xúc
tiến đầu tư thì tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên
đổi mới công tác này, như chuyển từ đơn lẻ sang hình thức xúc tiến
đầu tư theo chuỗi các dự án hoặc xác định lĩnh vực mũi nhọn để thực hiện
xúc tiến đầu tư. Đồng thời xây dựng tốt môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận
lợi cho việc phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất
- kinh doanh của nhà đầu tư (như ngân hàng, logistics, kê khai thuế, hải quan,
thông tin liên lạc…).
Bước vào giai đoạn mới,
ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận nhận định địa phương
có những thời cơ, vận hội rất lớn để tiếp tục đầu tư phát triển các KCN. Đặc biệt
gần đây, “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông của tỉnh cơ bản được khơi thông với
tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn Bình Thuận đã đưa vào sử dụng, hiện có cảng
nước sâu và sắp đến là sân bay, đường sắt cao tốc…
Đáp ứng kỳ vọng
Kết luận sơ kết 2 năm thực
hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển
công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cần triển khai trong thời gian đến. Trong đó tập trung lãnh đạo
phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, định
hướng đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023). Ngoài
ra cần sớm triển khai hình thành KCN - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân - La Gi và KCN
Tân Đức, phấn đấu đến năm 2030 hình thành được 1 KCN công nghệ cao, hiện đại. Cải
thiện môi trường đầu tư, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực
tài chính, khoa học - công nghệ hiện đại để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển công
nghiệp địa phương…
Tận dụng cơ hội và những
yếu tố thuận lợi, trong giai đoạn mới Bình Thuận sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn thành
hạ tầng kỹ thuật của các KCN đã thành lập cũng như đổi mới, nâng cao hiệu quả
thu hút dự án lấp đầy. Nhất là đối với những dự án có hàm lượng công nghệ cao,
dự án chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, thân thiện môi trường.
Trong đó sớm hình thành tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, cảng biển,
kho cảng khí LNG tại khu vực Hàm Tân - La Gi gắn với bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ.
Tiếp nữa là nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam Bình Thuận thuộc
địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (diện tích khoảng 27.000 ha). Khi đảm bảo
điều kiện có thể thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn về cảng biển và dịch vụ cảng
biển, năng lượng, điện khí LNG, công nghiệp chế biến - chế tạo… gắn với phát
triển KCN, khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại.
Cùng với đó, Ban Quản lý
các KCN Bình Thuận cũng đặt mục tiêu vào năm 2030, các KCN đạt giá trị sản xuất
công nghiệp khoảng 16.500 tỷ đồng (chiếm 25% giá trị sản xuất của tỉnh), kim ngạch
xuất khẩu đạt 350 triệu USD (chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) và nộp
ngân sách đạt 400 tỷ đồng (chiếm 4,5% thu nội địa của tỉnh). Đến giai đoạn sau
năm 2030, phấn đấu doanh thu của doanh nghiệp trong KCN tăng bình quân hàng năm
từ 12 - 14%, đối với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12 - 14%, nộp ngân sách tăng
bình quân từ 11 - 13%. Để đáp ứng kỳ vọng phát triển KCN vươn lên xứng tầm, địa
phương còn đề ra giải pháp về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho các
KCN - khu kinh tế, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp,
phát triển KCN kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường…
Thực tế cho thấy sự phát
triển KCN trên địa bàn tỉnh được xem là đòn bẩy và động lực trong công tác thu
hút đầu tư để từng bước khai thác hiệu quả các lĩnh vực, ngành nghề mà địa
phương có tiềm năng, lợi thế. Do vậy với định hướng trong giai đoạn mới, phát
triển KCN được dự báo tiếp tục tạo điều kiện cho tỉnh thu hút thêm nhiều dự án
quy mô của những ngành công nghiệp mũi nhọn, qua đó góp sức đưa công nghiệp
Bình Thuận trở thành một trụ cột kinh tế vững chắc.
Theo tin Đinh Vũ - BQLKCN (Trích nguồn baobinhthuan.com.vn)