Chính
phủ vừa ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và
khu kinh tế.
Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định
những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế;
chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công
nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; hệ thống thông tin quốc gia về
khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh
tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và điều khoản thi hành.
Trong đó, về việc đầu tư hạ tầng, xây dựng khu
công nghiệp, Nghị định 35/2022/NĐ-CP bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp
nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Theo đó, khu công nghiệp
được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền:
a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng
khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư
công;
b) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp
thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp
theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng hoàn
thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (tỷ lệ lấp
đầy, quy mô khu công nghiệp, năng lực của nhà đầu tư và một số điều kiện khác)
trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều
7 Luật Đầu tư nhằm đảm bảo sự phù hợp với đặc thù của dự án hạ
tầng khu công nghiệp.
Điều kiện nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ
tầng khu công nghiệp
Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư
thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp
phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy
định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
2. Điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho
thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và
kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất
đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là tổ chức kinh tế do
nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư
và pháp luật về doanh nghiệp thì tổ chức kinh tế dự kiến thành lập phải có khả
năng đáp ứng điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển
mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm
nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp chọn áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà
đầu tư thì các tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu
tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bao gồm:
+ Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực của nhà đầu
tư được xây dựng trên cơ sở các điều kiện quy định.
+ Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhà
đầu tư được xây dựng trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình
thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công
nghiệp hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn
chủ sở hữu để thực hiện dự án; chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ
chức của nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.
+ Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được xây
dựng trên cơ sở nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công
nghiệp, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh
doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp của cấp có thẩm quyền và quy định khác
của pháp luật có liên quan.
+ Tiêu chuẩn đánh giá về
tài chính - thương mại được xây dựng trên cơ sở nội dung Quyết định chấp thuận
chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên
quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Điều
kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ
Nghị định cũng quy định điều kiện chuyển đổi
khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ gồm:
1. Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô
thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành
của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị
loại I trực thuộc tỉnh.
3. Thời gian hoạt động từ ngày khu công nghiệp
được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc một
phần hai (1/2) thời hạn hoạt động của khu công nghiệp.
4. Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện
dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên hai
phần ba (2/3) số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển
đổi, trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định
của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại
đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường.
5. Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường.
Việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát
triển khu đô thị - dịch vụ được thực hiện đối với một phần hoặc toàn bộ diện
tích khu công nghiệp.
Sau khi Thủ tướng Chính
phủ quyết định chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần diện tích của khu công nghiệp
sang phát triển khu đô thị - dịch vụ thì chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công
nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ
tầng khu công nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định
của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp
luật có liên quan. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị - dịch
vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu,
pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản
và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Ánh Quỳnh – Phòng QL ĐT&DN (Tin trích
nguồn Báo Chính phủ baochinhphu.vn)