Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số
Lượt xem: 32

Xã hội số là sự thay đổi cách thức tương tác và kết nối xã hội từ kiểu truyền thống sang phương thức kết nối số hóa ở các lĩnh vực và đối tượng có nhu cầu được số hóa trong đời sống xã hội thông qua hệ thống hạ tầng công nghệ – kỹ thuật số và truyền thông số. Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, xã hội số có 9 đặc trưng là: Danh tính số; phương tiện số; kỹ năng số; tỷ lệ dân số được phủ mạng internet; tỷ lệ người dùng internet; mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng; mức độ sử dụng dịch vụ y tế số; giáo dục số.

 Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển xã hội số. Đến nay, toàn tỉnh có 100% thôn, khu phố và 06 tổ tự quản có tổ công nghệ số cộng đồng, gồm  697 tổ công nghệ số cộng đồng/691 thôn, khu phố và 6 tổ tự quản, với tổng số thành viên 2.447 người; đã hoàn thành việc xây dựng ứng dụng Công dân số Bình Thuận nhằm cung cấp thông tin đa dạng cho người dân khai thác, đồng thời tạo công cụ để người dân tương tác với chính quyền các cấp qua môi trường số; triển khai ứng dụng trợ lý ảo giải đáp về thủ tục hành chính được tích hợp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

 Hiện nay, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động của người dân có sử dụng điện thoại thông minh đạt 77.3%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 92%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 69,67%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 92% (cuối năm 2021 là 71%) và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 67% (cuối năm 2021 là 50%).

 Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92% tổng dân số. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế triển khai ứng dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe cài đặt trên các thiết bị thông minh để góp phần đẩy mạnh tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khoẻ trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và cung cấp các tiện ích khác về y tế cho người dân.

 Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương phát triển dữ liệu công dân số, gồm: Mã định danh điện tử, chữ ký số cá nhân, tài khoản thanh toán số, hồ sơ sức khỏe điện tử, ví giấy tờ điện tử… gắn với triển khai sử dụng các nền tảng số cho công dân số. Đồng thời, phát huy hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số với trọng tâm là sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao tiếp với chính quyền qua môi trường số.

Theo tin Yến Lệ - BQLKCN (Trích nguồn binhthuan.gov.vn)

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang