Các KCN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh
Trong bối cảnh tình hình thế
giới, khu vực còn nhiều biến động khó lường, nền kinh tế trong nước vẫn còn gặp
nhiều khó khăn, thách thức đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên qua các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh
6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Theo số liệu Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng
sản phẩm nội tỉnh (GRDP) dự ước tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,75% (nông nghiệp tăng 1,36%, lâm nghiệp tăng
9,12%, thủy sản tăng 8,06%); khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,06% (công
nghiệp tăng 12,29%, xây dựng tăng 10,82%); khu vực dịch vụ tăng 6,1%;
thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,40%.
- Về sản xuất công nghiệp:
Hoạt
động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 diễn biến theo xu hướng tích cực
và tiếp tục có mức tăng ở ba nhóm ngành (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành
sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác
thải, nước thải). Trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao góp
phần lớn cho mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp; ngành công nghiệp chế
biến, chế tạo dần phục hồi ở một số ngành như: Sản xuất đồ uống, sản xuất trang
phục, sản xuất giày dép, sản xuất đồ gỗ.
Tính
chung 6 tháng đầu năm 2024, ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng
12,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm
11,98% do cùng kỳ khai thác đá cát sỏi làm tuyến đường cao tốc; ngành công nghiệp
chế biến, chế tạo tăng 2,98%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước
nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,08%; ngành cung cấp nước, hoạt động
quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,50%.
- Về hoạt động xuất nhập khẩu:
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu
gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng
tăng so với cùng kỳ (tăng 3,30%); mặt hàng sản phẩm gỗ, giày dép, hàng hóa khác
có mức tăng khá. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 20,01% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản và nông sản
giảm so với cùng kỳ (giảm lần lượt 9,87% và 31,16%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của
tỉnh lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 339,4 triệu USD, tăng 3,30% so với cùng kỳ,
trong đó: hàng thủy sản ước đạt 92,6 triệu USD, giảm 9,87%; hàng nông sản ước đạt
4,9 triệu USD, giảm 31,16%; hàng hóa khác ước đạt 241,9 USD, tăng 10,61%. Nhóm
hàng thủy sản và hàng nông sản giảm do ít đơn đặt hàng và các mặt hàng chiếm tỷ
trọng lớn trong 2 nhóm hàng này đều giảm như tôm thẻ, mực tươi, thủy sản tươi
khác, thanh long, điều, cao su. Trong đó:
+ Xuất khẩu trực tiếp: ước đạt
gần 334,4 triệu USD, tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Châu Á
tăng 7,94%; thị trường Đông Á (chủ yếu Nhận Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) giảm nhẹ;
thị trường Châu Âu tăng 39,94%; thị trường Đông Âu giảm mạnh (giá trị chỉ đạt
34,73% so cùng kỳ), thị trường Châu Mỹ (chủ yếu Mỹ và Canada), Châu Phi và Châu
Đại Dương đều giảm giá trị ở những tháng đầu năm. Một số nước xuất khẩu chủ yếu
chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như: Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu
như tôm, cá, thủy sản khác, dệt may...), Đài Loan (mặt hàng chủ yếu như bộ quần
áo, thủy sản khác…), Mỹ (mặt hàng chủ yếu như giày dép, thủy sản…), Belizơ (chủ
yếu là mặt hàng đế giày các loại), Trung Quốc (mặt hàng chủ yếu như thủy sản,
giày dép, các loại quặng…), Côlômbia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Campuchia
và Philippin (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi).
+ Ủy thác xuất khẩu: ước đạt
5 triệu USD, tăng gấp 2,12 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng ủy thác chủ yếu:
Mực tươi đông lạnh (tăng 2,82 lần), Quần áo các loại (2,07 lần).
Kim ngạch nhập khẩu lũy kế 6
tháng đầu năm ước đạt 671,5 triệu USD, tăng 20,01% so với cùng kỳ năm trước. Chủ
yếu vẫn là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng thủy sản, nguyên liệu
dệt may, da giày, hạt điều thô,...
- Về hoạt động của các Khu
công nghiệp:
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các
doanh nghiệp trong KCN đã có nhiều nổ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh,
mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó
các
nhóm ngành hàng chủ lực như giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều, thủy hải sản,
thực phẩm, gỗ, giấy, khoáng sản… đều có đơn đặt hàng ổn định để sản xuất, một số
doanh nghiệp gia giày, thủy sản, cơ khí cần tuyển thêm khoảng 500 lao động và
đang mở rộng nhà máy để đáp ứng đơn đặt hàng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp KCN ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 12,5% so với
cùng kỳ, đạt 48,8% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 130 triệu USD,
tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 40,6% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 135 tỷ
đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm.
Bên cạnh kết quả tích cực về
hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì việc thu hút đầu tư vào các
KCN cũng đạt được kết quả nhất định. Từ đầu năm đến nay các KCN thu hút mới 03
dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.045 tỷ đồng và 12 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy Huy Tường
của Công ty Cổ phần Huy Tường tổng vốn đầu tư đăng ký 50 tỷ đồng, diện tích
2,49 ha; Dự án nhà máy xỉ titan Sông Bình của Công ty Cổ phần Titan Dioxit Sông
Bình tổng vốn đầu tư đăng ký là 995 tỷ đồng, diện tích 9,95 ha; Dự án sản xuất
văn phòng phẩm Shiny Circle Việt Nam của Công ty Shiny Circle Limited tổng vốn
đầu tư đăng ký 12 triệu USD, diện tích 5 ha); ngoài ra điều chỉnh tăng vốn
cho 01 dự án với số vốn tăng thêm 3,5 triệu USD (Dự án sản xuất, gia công nguyên phụ liệu giày dép
của Công ty TNHH nguyên phụ liệu giày dép Thành Vượng – KCN Hàm Kiệm II).
Theo Thanh Long - BQLKCN