Chiều 30/6, Cục Cảnh sát PCCC
và CNCH (Bộ Công an) phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công
nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo "An toàn
phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh".
Hội thảo có sự tham dự của hơn
200 đại biểu tại Hà Nội đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ của Bộ Công an, Bộ Công
Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, UBND TP Hà Nội, một số Trường Đại học, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty,
doanh nghiệp sản xuất thiết bị PCCC và thiết bị điện cùng các nhà khoa học đầu
ngành của lĩnh vực an toàn PCCC trong sử dụng điện. Hội thảo được tổ chức bằng
hình thức trực tuyến với 67 điểm cầu. Điểm cầu Trung ương tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam,
và 66 điểm cầu tại các Tổng công ty, Công ty Điện lực tại các tỉnh, thành
phố trên cả nước. Tổng số đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến là trên 4.500
người.
Theo số liệu thống
kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH báo cáo tại Hội thảo, trong 05 năm (từ năm
2015 đến năm 2019), cả nước đã xảy ra 17.844 vụ cháy, làm chết 431 người, bị
thương 981 người; thiệt hại về tài sản ước tính 8.399 tỷ đồng và 8.810 ha rừng.
Trung bình mỗi ngày xảy ra 10 vụ cháy, làm chết 01 người, thiệt hại về tài sản
ước tính 4,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 1.524 vụ
cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông. Thiệt hại do cháy gây ra làm
chết 39 người, bị thương 86 người, thiệt hại về tài sản khoảng 376,8 tỷ đồng. Công
tác phòng cháy, chữa cháy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tổ chức
thực hiện từ trung ương đến cơ sở và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy
nhiên, trên phạm vi cả nước, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là
cháy nổ tại hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, Khu công nghiệp.
Theo thống kê, có trên 51% vụ cháy, nổ có liên quan đến sự cố về sử dụng điện
hoặc bất cẩn trong sử dụng điện, do sai sót trong quá trình thiết kế, thi công,
mua sắm vật tư thiết bị, sửa chữa bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp, tuổi thọ của thiết
bị,..
Tại Hội thảo, các nhà khoa
hoạc, các chuyên gia, Công an PCCC các địa phương và đại diện các doanh nghiệp
sử dụng điện đã có nhiều phát biểu tham luận và đưa ra nhiều biện pháp, giải
pháp nhằm tăng cường công tác PCCC và ngăn chặn sự cố cháy, nổ trong sử dụng
điện; đồng thời đề xuất từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn điện; nâng cao hiệu quả công tác quản lý
nhà nước về an toàn PCCC trong thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu và sử dụng
điện; những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lắp đặt hệ thống,
thiết bị điện; bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện; công tác tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC đối với hệ thống, thiết bị điện; công
tác quản lý chất lượng thiết bị điện; kinh nghiệm trong việc lựa chọn, sử dụng
hệ thống, thiết bị điện tại các cơ sở; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong
quản lý, kiểm tra an toàn PCCC và điều tra nguyên nhân vụ cháy, nổ có liên quan
đến sử dụng điện.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề
xuất cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư, tổ chức,
doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt rõ
và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lựa chọn
thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an
toàn, tin cậy; trong quá trình sử dụng điện khi có nhu cầu sử dụng thêm các
thiết bị tiêu thụ điện cần phải báo cáo, đánh giá lại hệ thống đường dây dẫn,
thiết bị bảo vệ có đáp ứng yêu cầu hay không trước khi đưa vào sử dụng, đảm bảo
quy định an toàn về PCCC./.
Theo Phòng QLĐT&DN