Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA
Lượt xem: 2124

Ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Thông tư bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục kèm theo. Quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); thương nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi Quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA. Khi thực hiện Hiệp định EVFTA, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 và được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này. Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo Hiệp định EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công Thương ủy quyền và cũng được thực hiện trên hệ thống Cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử Ecosys tại địa chỉ: http://www.ecosys.gov.vn.

Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. 

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế. Cùng với đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới./.

Theo tin Phòng QLĐT&DN-BQLKCN

                                                                   

 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập