Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo động lực mới để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Lượt xem: 74

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận đã kiến nghị các các sở, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư và các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các KCN. Ngoài ra còn quan tâm đến chính sách cho người lao động tại các doanh nghiệp, từ đó không xảy ra đình công, lãn công, khiếu nại, khiếu kiện đông người vượt cấp.

Đến tháng 3 năm 2024, Bình Thuận có 9 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích 3.003,43ha; trong đó có 1 khu công nghiệp chuyên ngành chế biến khoáng sản titan và 8 khu công nghiệp đa ngành. Trong năm 2023 đã thu hút 66 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (44 dự án có vốn trong nước và 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN năm 2023 với doanh thu ước đạt 9.150 tỉ đồng, xuất khẩu ước đạt 270 triệu USD và nộp ngân sách ước đạt 160 tỉ đồng, các chỉ số này đều tăng so với kế hoạch năm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế nhưng chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Ban Quản lý cũng đã kiến nghị các các sở, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư và các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; đôn đốc hỗ trợ, tạo điều kiện để KCN Sơn Mỹ 1, KCN Tân Đức đẩy mạnh thực hiện công tác đền bù giải toả, chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng.

Theo ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN Bình Thuận: Công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, chính sách cho người lao động được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, không xảy ra sự cố nghiêm trọng, không có đình công, lãn công, khiếu nại, khiếu kiện đông người vượt cấp. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thứ cấp hoàn thành kế hoạch được giao, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh, ổn định đời sống của nhân dân và người lao động.Trọng tâm năm 2024, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận là cơ quan đầu mối, đôn đốc các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Tân Đức đảm bảo các điều kiện thu hút đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện khí Sơn Mỹ và Kho cảng khí LNG. Chú trọng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư nâng cao tỷ lệ lắp đầy các KCN.

Anh-tin-bai

Công nhân trong công ty TNHH chế biến gỗ XK Khải Hoàn ở KCN Phan Thiết

So với các khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận có lợi thế về giá thuê đất, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí giá nhân công rẻ hơn; hạ tầng về giao thông ngày càng hoàn thiện, cảng quốc tế Vĩnh Tân đã đi vào hoạt động; sân bay Phan Thiết đang triển khai đầu tư xây dựng.

Sự quyết tâm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh Bình Thuận sẽ tạo động lực mới và mở ra cơ hội để thu hút các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp Bình Thuận. Từ đó còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ./.

Theo Tấn Kiểu - BQLKCN

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang