Ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với Bao bì nhựa thân thiện với môi trường
Ngày 7/11/2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành Quyết định số 3257/QĐ- BTNMT, Ban hành
tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với Bao bì nhựa thân thiện với môi trường,
mã tiêu chí NSTVN - 01:2023.
Bao bì nhựa thân thiện
với môi trường gồm các loại bao bì nhựa phân hủy sinh học; bao bì nhựa tái chế
được sản xuất với nguyên liệu chính là nhựa polyethylene (nhựa PE) hoặc
polypropylene (nhựa PP), có dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi)
hoặc dạng màng để có thể bao bọc, che phủ, chứa đựng và bảo vệ giá trị sử dụng
của sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt hoặc trong các lĩnh vực công nghiệp,
nông nghiệp, xây dựng...
Bao bì nhựa
phân hủy sinh học là loại bao bì sản xuất từ nhựa phân hủy sinh học có khả năng
phân hủy sinh học hiếu khí hoặc yếm khí (trong môi trường tự nhiên, compost hoặc
trong bãi chôn lấp chất thải rắn) thành dioxide carbon (CO2), nước (H2O), các hợp
chất vô cơ và sinh khối. Bao bì nhựa tái chế là bao bì sản xuất từ nhựa tổng hợp
tái chế với tỷ lệ nhất định và có khả năng thu hồi, tái chế.
Việc sản xuất bao bì thân
thiện với môi trường có hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường như giảm chi
phí sử dụng nguyên liệu nhựa có nguồn gốc dầu mỏ đầu vào trong quy trình sản
xuất, giảm chi phí xử lý chất thải tại các bãi chôn lấp, giảm khai thác tài
nguyên để sản xuất nhựa nguyên liệu, giảm phát thải khí nhà kính.
Nguyên liệu, vật liệu
sản xuất bao bì thân thiện có nguồn gốc từ vật liệu nhựa sinh học (đối với bao
bì nhựa phân hủy sinh học) hoặc nhựa PE, nhựa PP tái chế được làm sạch (đối với
bao bì nhựa tái chế) và các chất phụ gia không chứa các thành phần, chất trong
danh mục cấm nhập khẩu, sử dụng của Việt Nam. Không sử dụng các loại mực, thuốc
nhuộm, chất màu và các chất phụ gia khác theo quy định an toàn môi trường và
sức khỏe về sản xuất bao bì.
Bao bì nhựa phân hủy
sinh học có tỷ lệ phân hủy sinh học của bao bì tối thiểu 90% trong thời gian 02
(hai) năm trong môi trường tự nhiên, compost hoặc trong bãi chôn lấp chất thải
rắn. Đối với bao bì nhựa tái chế: có tối thiểu 20% nguyên liệu sản xuất bao bì
từ nhựa tái chế, có độ dày từ 50 µm trở lên, kích thước tối thiểu mỗi chiều từ
50 cm trở lên. Hàm lượng tối đa cho phép của các kim loại nặng, phi kim và Flo
quy định trong bao bì như sau: Asen (As): 5 mg/kg; Cadimi (Cd): 0,5 mg/kg; Chì
(Pb): 50 mg/kg; Đồng (Cu): 50 mg/kg; Kẽm (Zn): 150 mg/kg; Thủy ngân (Hg): 0,5
mg/kg; Niken (Ni): 25 mg/kg; Crom (Cr): 50 mg/kg; Molyden (Mo): 1 mg/kg; Selen
(Se): 0,75 mg/kg; Flo (F): 100 mg/kg. đ) Phương pháp thử nghiệm xác định các
thông số quy định nêu trên thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) như: TCVN
11318, TCVN 11319, TCVN 11797, TCVN 11798, TCVN 9493, TCVN 13114, TCVN 10100,
TCVN 10101; hoặc tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 14851, ISO 14852, ISO 14855, ISO
17088; tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASTM 6400, tiêu chuẩn Châu Âu EN 13432, tiêu chuẩn
Ô-xtrây-lia AS 4736; hoặc tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tương đương.
Kế hoạch
thu hồi, tái chế bao bì đã qua sử dụng; thông tin về địa chỉ cơ sở tái chế; quy
trình thu hồi và tái chế, thải bỏ; công nghệ tái chế; các giải pháp thu hồi,
tái chế, xử lý, thải bỏ bao bì đã qua sử dụng và giải pháp bảo vệ môi trường thực
hiện theo quy định của pháp luật./.
Theo Trần Thị Sương - BQLKCN