Bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế
Để định hướng bảo vệ môi
trường trong các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh,
bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Yếu tố môi trường phải được tính đến trong từng hoạt động phát triển kinh tế -
xã hội, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế
với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm
thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm
2050, chuyển dịch năng lượng công bằng, góp phần thực hiện thành công các chỉ
tiêu kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Ngày
8/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,
theo đó đã xác định rõ các quan điểm là:
Chủ động phòng ngừa,
kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo đảm quyền được sống trong
môi trường trong lành của Nhân dân
Quy hoạch bảo vệ môi
trường quốc gia là chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái
môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy
giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống
trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố
hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết
lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu
xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng
mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển
kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế
các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, tăng diện
tích các khu bảo tồn thiên nhiên; hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất
thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; thiết lập mạng lưới quan trắc
và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh thống nhất và đồng bộ, hiện đại
Đến năm 2030, tăng diện
tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên
quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống
khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.
Đối với khu xử lý chất
thải tập trung: Định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập
trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý
phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh
hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh
trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp,
thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử
dụng chất thải. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy
mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động
xử lý chất thải. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Định hướng hình thành tối
thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; tối thiểu 07 khu xử
lý chất thải tập trung cấp vùng tại các vùng kinh tế - xã hội trong kỳ quy
hoạch; tối thiểu 01 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với mạng lưới quan
trắc và cảnh báo môi trường: Định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh
báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh thống nhất và đồng bộ, hiện đại, có tính
liên kết trên phạm vi cả nước để chủ động theo dõi hiện trạng và bước đầu xây
dựng năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi
trường; bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước
về môi trường. Cụ thể:
Đối với mạng lưới quan
trắc và cảnh báo môi trường quốc gia: định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc
chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên
tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực
có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia phải có tính đồng
bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.
Đối với mạng lưới quan
trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: định hướng cho các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa
phương, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động phát triển
kinh tế - xã hội, các khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải và các khu vực
quan trọng về cảnh quan, sinh thái và môi trường trên địa bàn quản lý của các
địa phương, hài hòa và có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc và
cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất
lượng môi trường trên cả nước.
Hướng tới đưa phát thải
ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Tầm nhìn đến năm
2050: Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong
lành cho Nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng
sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hoà với
thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên
phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp nhằm hướng
tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn
với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nhiệm vụ về bảo vệ môi
trường, tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp. Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải
rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; Quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng
môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Thúc đẩy các mô hình tăng
trưởng bền vững.
Tăng cường tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cộng đồng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật
về bảo vệ môi trường; Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính trong bảo vệ môi trường; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo
vệ môi trường; Tăng cường đầu tư tài chính; Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi
mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và
cơ sở dữ liệu môi trường; Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường./.
Theo tin Trần T. Sương - BQLKCN